Trong thời gian qua, trên mạng xã hội, các đối tượng cơ hội chính trị, phản động đã lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân, lợi dụng dân chủ, xuyên tạc, kích động phản đối một số nội dung trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Đặc khu) Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; kích động người dân tụ tập đông người, tuần hành biểu tình trái pháp luật. Ban Tuyên giáo Quận uỷ Tây Hồ cung cấp một số thông cần biết về dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và Luật An ninh mạng để cán bộ, đảng viên và nhân dân quận Tây Hồ được biết.

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT ĐẶC KHU

1. Xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là cần thiết để thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đã được Đảng và Quốc hội thông qua bao gồm: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa VIII; Văn kiện Đại hội X của Đảng; Định hướng phát triển kinh tế - xã hội đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020; Văn kiện Đại hội XII của Đảng; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020) được phê duyệt tại Nghị quyết số 142/2016/QH13 ngày 12/4/2016 của Quốc hội đã nêu nhiệm vụ và giải pháp là “lựa chọn một số khu có lợi thế đặc biệt để xây dựng đặc khu kinh tế với cơ chế đặc thù, hiệu lực, hiệu quả, có sức lan tỏa lớn đến chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động và cả nền kinh tế”.

2. Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Đầu tư năm 2014 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và bổ sung quy định còn thiếu như: chưa có các quy định cụ thể về: điều kiện và nội dung thành lập, phương thức và nội dung quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cách thức quản lý các lĩnh vực chuyên ngành, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; thẩm quyền, chế độ làm việc, mối quan hệ công tác, cơ chế giám sát hoạt động, cơ chế tài chính và ngân sách hoạt động của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; phương thức tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức có liên quan khác đóng trên địa bàn đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; nội dung quản lý Nhà nước, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan Nhà nước có liên quan đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Do vậy, cần phải xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để quy định cụ thể các nội dung còn chưa được quy định nêu trên.

3. Xây dựng một mô hình phát triển mới với cơ chế, chính sách có tính đột phá để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh thu hút đầu tư và đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế. Hiện nay, nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu phát triển chậm lại; năng lực cạnh tranh thấp; việc khai thác các tiềm năng, lợi thế tự nhiên và nguồn lực của đất nước đã dần tới hạn; môi trường đầu tư của Việt Nam đang mất dần tính hấp dẫn do bị cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ. Trong khi đó, nhiều quốc gia đã phát triển thành công nhiều mô hình như: “đặc khu kinh tế”“đặc khu hành chính”“thành phố tự do”“thành phố công nghiệp – công nghệ cao thông minh”… với cơ chế, chính sách mở, thông thoáng và ưu đãi hơn từ năm 1942. Các mô hình này đã trở thành khu vực phát triển có sức lan tỏa, tạo động lực cho cả nền kinh tế phát triển.

Do vậy, việc xây dựng mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở nước ta với các cơ chế, chính sách về hành chính và kinh tế đột phá, cạnh tranh quốc tế, tạo mô hình động lực phát triển mới, có tác động lan tỏa tích cực ra các vùng và cả nước là hết sức cần thiết và cấp bách.

II. NHỮNG LỢI ÍCH KHI HÌNH THÀNH 3 ĐẶC KHU

1. Góp phần hiệu quả làm tăng trưởng kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng của các ngành kinh tế, đóng góp thu ngân sách, tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân đầu người. Cụ thể:

- Đặc khu Vân Đồn ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,9 tỷ USD từ thuế và phí và 2,1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất, các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 9,7 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2030, nâng mức đóng góp GRDP của Vân Đồn vào GRDP của tỉnh Quảng Ninh lên 5,2% vào năm 2020 và 7,7% vào năm 2030, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 5.000 USD vào năm 2020 và 12.500 USD vào năm 2030.

- Đặc khu Bắc Vân Phong ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,2 tỷ USD từ thuế và phí và 01 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất, các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 10 tỷ USD trong giai đoạn 2017 - 2030, nâng mức đóng góp GRDP của Bắc Vân Phong vào GRDP của tỉnh Khánh Hòa lên 3% vào năm 2020 và 6% vào năm 2030, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên khoảng 4.000 USD vào năm 2020 và 9.500 USD vào năm 2030.

- Đặc khu Phú Quốc ước tính Nhà nước thu được khoảng 3,3 tỷ USD từ thuế và phí và các nguồn thu từ đất, các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 19 tỷ USD trong giai đoạn 2017 - 2030, nâng mức đóng góp GRDP của Phú Quốc vào GRDP của tỉnh Kiên Giang lên 22% vào năm 2020 và 27% vào năm 2030, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên khoảng 5.300 USD vào năm 2020 và 13.000 USD vào năm 2030.

2. Về xã hội, môi trường: sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động, gia tăng thu nhập bình quân đầu người, hình thành môi trường sống văn minh, hiện đại của các tỉnh xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Cụ thể như tới năm 2030, Đặc khu Vân Đồn tạo thêm việc làm mới cho khoảng 132.000 người với mức lương bình quân là 9.500 USD/năm; Đặc khu Bắc Vân Phong tạo thêm việc làm mới cho khoảng 65.000 người với mức lương bình quân là 9.000 USD/năm và Đặc khu Phú Quốc tạo thêm việc làm mới cho khoảng 57.600 người.

3. Đối với chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh: sẽ tăng vị thế và vai trò của Việt Nam trong việc thu hút các dòng vốn đầu tư quốc tế, đồng thời nâng cao vị thế, uy tín chính trị của nước ta; việc phát triển các Đặc khu kinh tế ngoài việc góp phần tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, còn khẳng định rõ chủ quyền, quan điểm phát triển của Việt Nam.

III. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT AN NINH MẠNG

1. Đáp ứng yêu cầu của công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội nhằm phòng ngừa, đấu tranh, làm thất bại hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động biểu tình, phá rối an ninh trên không gian mạng của các thế lực thù địch, phản động; phòng ngừa, ngăn chặn, ứng cứu, khắc phục hậu quả của các hoạt động tấn công mạng, khủng bố mạng; phòng ngừa, ngăn chặn, loại bỏ tác nhân tiến hành hoạt động gián điệp mạng, chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật Nhà nước, tình trạng đăng tải thông tin, tài liệu bí mật Nhà nước trên không gian mạng; bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia theo cấp độ và áp dụng các biện pháp bảo đảm cần thiết. Đây là hệ thống thông tin của các mục tiêu quan trọng quốc gia, cơ sở hạ tầng quan trọng quốc gia, cơ quan chứa đựng bí mật Nhà nước nên hậu quả, thiệt hại sẽ lớn hơn hệ thống thông tin thông thường nếu bị tấn công mạng hoặc sự cố an ninh mạng; quy định và thống nhất thực hiện giám sát, dự báo, ứng cứu và diễn tập ứng cứu khẩn cấp sự cố an ninh mạng; quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an ninh mạng và cấp phép kinh doanh dịch vụ bảo đảm an ninh mạng.

2. Khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác an ninh mạng như: chồng chéo, trùng dẫm trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo đảm an ninh mạng giữa các bộ, ngành, địa phương và khắc phục việc chưa có văn bản luật quy định về công tác an ninh mạng.

3. Thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh mạng như: Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI); Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI); Chỉ thị số 46-CT/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 28-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 15-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị; Nghị định 101/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết trách nhiệm thực hiện và các biện pháp ngăn chặn hoạt động sử dụng không gian mạng để khủng bố.

4. Bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc. Luật An ninh mạng quy định các biện pháp nghiệp vụ an ninh mạng, trong đó có một số biện pháp có khả năng ảnh hưởng tới quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như giám sát an ninh mạng, hạn chế thông tin mạng… Do vậy, việc ban hành Luật An ninh mạng để bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp là cần thiết và cũng góp phần cụ thể hóa tinh thần và nội dung mới của Hiến pháp về bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là quy định “Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm” và “mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị”.

5. Bảo đảm sự phù hợp với thông lệ quốc tế: hiện nay đã có nhiều quốc gia trên thế giới ban hành các văn bản luật về an ninh mạng, điển hình như: Nhật Bản, Trung Quốc; Cộng hòa Séc; Hàn Quốc; riêng Mỹ, ngoài việc ban hành các đạo luật chung, Mỹ đã ban hành tới 06 đạo luật liên quan các vấn đề về an ninh mạng; ngày 7/12/2015, Hội đồng và Nghị viện Châu Âu đạt được sự thống nhất về các biện pháp thúc đẩy an ninh mạng tổng thể trong Liên minh Châu Âu tại Chỉ thị An ninh thông tin và mạng nhằm tăng cường các khả năng an ninh mạng của các quốc gia thành viên, tăng cường sự hợp tác của các quốc gia thành viên trong lĩnh vực an ninh mạng. Việc xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng sẽ bảo đảm công tác an ninh mạng của nước ta có sự phù hợp nhất định với thông lệ quốc tế và bảo đảm các điều kiện hội nhập quốc tế về an ninh mạng.

1. Chủ động nắm bắt cung cấp thông tin và định hướng dư luận xã hội; tổ chức đấu tranh, có các bài viết, ý kiến tỏ thái độ phản đối các hành vi quá khích vừa qua của một số đối tượng trên mạng xã hội (blog cá nhân, facebook...); tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, vạch trần âm mưu của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị lợi dụng việc Quốc hội thông qua các dự luật, nhất là Luật An ninh mạng để tổ chức các hoạt động gây rối, chống Đảng, chống chế độ xã hội chủ nghĩa; chỉ đạo tiến hành sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố, đoàn thể trong toàn Đảng bộ Thành phố, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền, giải thích, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên, công nhân và Nhân dân hiểu rõ về chủ trương của Đảng, Nhà nước liên quan đến Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Luật An ninh mạng, không tham gia, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng sự việc trên để kích động các hoạt động chống phá, gây mất ổn định tình hình trên địa bàn.

2. Nắm chắc địa bàn không để bị động, bất ngờ. Xây dựng các phương án để kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp ngăn ngừa, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm những người có hành vi kích động, manh động, vi phạm pháp luật. Bảo đảm an ninh trật tự và an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của Nhân dân và người nước ngoài, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, tuyệt đối không để xảy ra các hoạt động biểu tình trái pháp luật trên địa bàn Thủ đô.

3. Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng, Ban quản lý các khu công nghiệp - chế xuất; Thành đoàn Hà Nội, Liên đoàn lao động Thành phố tăng cường công tác quản lý, tổ chức sinh hoạt đoàn thể, các hoạt động tuyên truyền; tổ chức đấu tranh, có các bài viết, ý kiến tỏ thái độ phản đối các hành vi quá khích vừa qua của một số đối tượng trên mạng xã hội (blog cá nhân, facebook...); vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, công nhân, người lao động, học sinh, sinh viên thực hiện tốt việc không tham gia các hoạt động tuần hành, biểu tình trái pháp luật.

4. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự; tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của Nhân dân; thành lập các tổ công tác triển khai tuyên truyền, vận động Nhân dân; tổ chức ứng trực nhằm kịp thời giải quyết những vụ việc cấp bách về an ninh trật tự trên địa bàn. Kịp thời báo cáo về Ban Tuyên giáo Thành ủy để tổng hợp báo cáo Thường trực Thành ủy./.

Nguồn: Ban Tuyên giáo Thành uỷ